Ngày đăng: 26/09/2023 09:02 PM
BÀI VIẾT MỚI NHẤT
Khung Ghế Sofa: 5 chất liệu phổ biến, nên chọn loại nào?
Khung Ghế Sofa: 5 chất liệu phổ biến, nên chọn loại nào?

Khung sofa đóng vai trò tạo form dáng và là bộ phận chịu lực chính của ghế. Nó giống như bộ xương của cơ thể vậy, cũng gồm các thanh gỗ lớn – nhỏ, được liên kết theo một cấu trúc khoa học.

Phân tích chi tiết Cấu tạo của Ghế Sofa, các vật liệu và phụ kiện
Phân tích chi tiết Cấu tạo của Ghế Sofa, các vật liệu và phụ kiện

Cấu tạo của một chiếc ghế sofa bao gồm các phần chính: bộ khung, hệ thống lò xo và dây đai thun, các lớp nệm mút và lớp vỏ áo bên ngoài – cái chúng ta nhìn thấy rõ nhất – thường là da thật, da công nghiệp hoặc vải, nỉ, nhung. Tuy nhiên, để tạo thành một chiếc sofa hoàn chỉnh cũng cần tới các phụ kiện và vật tư tiêu hao khác nữa. Dưới đây chúng ta sẽ cùng khám phá chúng.

SOFA là gì | Các loại ghế sofa, cấu tạo và quy trình sản xuất sofa
SOFA là gì | Các loại ghế sofa, cấu tạo và quy trình sản xuất sofa

Sofa, hay còn có các tên gọi và cách viết khác như sopha, salon,… là một loại ghế ngồi bọc nệm được sử dụng phổ biến trong nội thất hiện đại. Không có một khái niệm chuẩn xác sofa là gì? Tuy nhiên dưới đây là một số khái niệm được chấp thuận rộng rãi nhất.

     

    Ghế sofa khung gỗ thông

    Khung sofa đóng vai trò tạo form dáng và là bộ phận chịu lực chính của ghế. Nó giống như bộ xương của cơ thể vậy, cũng gồm các thanh gỗ lớn – nhỏ, được liên kết theo một cấu trúc khoa học. Hiện có 5 chất liệu chính hay được dùng làm khung ghế sofa là: gỗ sồi, gỗ keo, gỗ thông, sofa khung sắt và khung gỗ công nghiệp (như Plywood, MFC, MDF – được dùng nhiều ở các nước phát triển).

    Bài viết dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về các chất liệu làm khung ghế sofa, đánh giá ưu nhược điểm của chúng. Chúng tôi cũng đưa ra một số gợi ý về cách chọn loại khung tốt, cách kiểm tra khi mua, cách xử lý khi bộ khung của chiếc ghế sofa nhà bạn đang dùng gặp vấn đề.


    Vai trò của khung sofa và tiêu chuẩn của một bộ khung tốt

    Khung xương là một trong 4 bộ phận chính trong cấu tạo của ghế sofa (khung, lò xo, nệm mút, vỏ áo). Có thể ví khung sofa như bộ xương của cơ thể vậy, nên nó cũng thường được gọi là ‘khung xương’. Với các vai trò chính gồm:

    • Là bộ phận chịu lực của ghế. Khi ngồi lên ghế, trọng lực sẽ được hệ thống nệm mút và lò xo dàn đều lên bộ khung.
    • Tạo form dáng cho ghế. Với thợ sản xuất có thể nhìn khung biết dáng ghế, nhìn mẫu ghế biết được phải làm khung thế nào.
    • Khung là nơi để lắp đặt các phụ kiện cho sofa.

    Một vài tiêu chuẩn của một bộ khung sofa tốt:

    • Khung được làm từ loại gỗ đảm bảo chất lượng: gỗ cứng, độ ẩm tiêu chuẩn, không có nhiều rác (vỏ gỗ non, gỗ cành), không có mắt mấu ở giữa thanh (dễ gãy), không có mối mọt hoặc ấu trùng của chúng,… Tối ưu là gỗ có nguồn gốc rõ ràng, được khai thác và sơ chế cẩn thận.
    • Tùy từng vị trí sẽ cần khả năng chịu lực lớn hay nhỏ, do đó bộ khung phải được thiết kế với bản gỗ có độ dày đủ khỏe, cộng với các thanh chống và liên kết.
    • Đảm bảo khả năng chịu lực tốt. Hầu hết các bộ ghế sofa được chia số chỗ ngồi (1,2,3,4,5…chỗ) tương ứng với số người trưởng thành. Tuy nhiên một bộ khung cần đảm bảo khả năng chịu lực ít nhất là gấp 2 lần tiêu chuẩn.
    • Với các bộ sofa đã hoàn thiện, khi ngồi hay nằm không phát sinh tiếng động, cảm nhận được độ chắc chắn.

    Các chất liệu làm khung ghế sofa phổ biến

    Khung của ghế sofa chủ yếu được làm từ gỗ tự nhiên như Keo, Sồi, Thông, một số loại gỗ công nghiệp hoặc khung sắt. Chúng được liên kết với nhau bởi đinh ghim, vít, keo, mộng, ke, bản,…tùy vào vật liệu và thiết kế, để đảm bảo khả năng chịu lực, độ chắc chắn và độ bền.

    * Lưu ý rằng, trong thực tế một bộ sofa thường kết hợp hai hay nhiều vật liệu. Ví dụ khung sofa gỗ sồi nhưng các bảng/má hoặc ốp hông, ốp hậu có thể vẫn dùng ván gỗ công nghiệp.

    Khung sofa gỗ Sồi
    Hình ảnh bộ khung sofa gỗ sồi

    – Sofa khung gỗ sồi

    Nói đến khung sofa gỗ tự nhiên thì gỗ Sồi nhập khẩu là loại khung được xếp vào loại tốt, chuyên làm sofa cao cấp. Ở Việt Nam gỗ Sồi chủ yếu được nhập khẩu từ Bắc Mỹ (Mỹ, Canada) hoặc châu Âu (chủ yếu là Nga). Gỗ Sồi trồng ở rừng ôn đới xứ lạnh, có độ cứng vừa phải, thân thẳng và dài ít mấu, vân gỗ siêu đều và đẹp, màu hơi vàng nhạt bắt mắt… Loại gỗ này đóng đồ nội thất nói chung và làm khung sofa nói riêng đều rất tốt, bền khỏi nói (bọc lại sofa vài lần vẫn chưa hỏng khung).

    Một bộ khung gỗ sồi có giá cao hơn đáng kể khung gỗ tạp, bởi vậy bạn nên kiểm tra khi nhận hàng. Có thể yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn gỗ (biết loại và xuất xứ), thiết kế khung (biết độ dày mỏng từng vị trí), yêu cầu xưởng sản xuất không pha gỗ (nhiều xưởng sẽ dùng gỗ tạp khác để chèn vào các vị trí ẩn khó thấy), kiểm tra khi nhận sofa (mở đáy ghế để nhìn), tối ưu là giám sát tại xưởng trong quá trình sản xuất (dặn xưởng khi làm xong khung thì gọi mình qua xem trực tiếp),…


    Khung sofa gỗ keo
    Khung sofa gỗ keo rất thông dụng, đóng các bộ sofa giá rẻ bình dân

    – Sofa khung gỗ keo

    Có thể bạn chưa biết, 90% ghế sofa (bọc da, vải nỉ) ở Việt Nam có khung được làm từ gỗ Keo. Đây là chất liệu làm khung sofa phổ biến nhất, thông dụng và bình dân. Cây gỗ keo được trồng nhiều ở Việt Nam, nguồn nguyên liệu dồi dào và giá rẻ. Chất gỗ không quá cứng nhưng để làm khung ghế thì vẫn thừa tiêu chuẩn, không phải lo lắng về độ bền chắc. (Ít nhất nó cũng hơn khung sofa gỗ công nghiệp của châu Âu, bạn có thể hình dung vậy).


    Ghế sofa khung gỗ thông

    – Sofa khung gỗ thông

    Trước tiên cần lưu ý rằng gỗ Thông ở đây là gỗ Thông nhập khẩu, loại cây trồng ở các cánh rừng ôn đới xứ lạnh, với chất gỗ tốt, đều, thẳng. Chứ không phải gỗ Thông từ cây trồng lấy nhựa ở Việt Nam. Bởi vậy các xưởng sản xuất sofa ở Việt Nam chủ yếu dùng gỗ Keo hoặc Sồi. Trong khi ở nhiều nước khác thì gỗ thông lại là nguyên liệu chính. Nếu gia đình bạn đang sở hữu một bộ sofa nhập khẩu, hãy thử lật ghế lên và kéo vải đáy ghế để nhìn, khả năng cao chất liệu bộ khung sofa đó là gỗ Thông.


    – Ghế sofa khung sắt

    Với đa phần các mẫu sofa thông dụng thì chất liệu gỗ được sử dụng phổ biến hơn. Loại sofa khung sắt thường được sử dụng khi cần khả năng chịu lực lớn, lắp các phụ kiện đặc biệt, trong khi vẫn phải duy trì sự thanh mảnh của khung để giữ form sofa. Ví dụ như sofa giường, có thể ‘biến hóa’ từ sofa thành giường ngủ bằng một vài thao tác. Hay sofa massage có thể điều chỉnh độ ngả (bằng chốt hoặc nút bấm điện). Các loại sofa thông minh đa năng khác cũng có thể cần tới khung sắt.

    Ghế sofa khung sắt, sofa giường
    Hình ảnh mẫu sofa giường có khung bằng sắt để tăng khả năng chịu lực khi chuyển đổi trạng thái, trong khi vẫn giữ được tính thanh mảnh của ghế.
    Ghế sofa giường đa năng có khung bằng sắt
    Ghế sofa giường đa năng có khung bằng sắt

    – Sofa khung gỗ công nghiệp

    Nhiều người cho rằng gỗ công nghiệp vừa yếu, vừa mềm, xốp, chịu lực kém…thì làm khung xương sofa sao được, chắc sẽ không bền và dễ hỏng! Nhưng có một thực tế là mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hơn 800 triệu USD khung sofa gỗ Plywood (gỗ ép công nghiệp) đi Mỹ và Châu Âu, hầu hết các bộ sofa bán trên IKEA có khung làm từ gỗ công nghiệp. Điều này cho thấy rằng, không phải cứ sofa khung gỗ công nghiệp là kém, thậm chí nó rất khỏe và chắc chắn nếu được thiết kế khoa học. Người Âu-Mỹ họ ‘to béo’ vậy còn dùng được nữa là chúng ta.

    + Khung sofa gỗ Plywood

    Ván gỗ công nghiệp Plywood
    Quy trình sản xuất gỗ ván ep Plywood

    Plywood là ván gỗ công nghiệp được tạo ra từ nhiều tấm ván lạng (cực mỏng) ghép nghịch hướng với nhau (tấm dọc xen tấm ngang, thớ gỗ vuông góc với nhau), được tạo liên kết bởi một chất keo dính chuyên dụng và ép lại thành tấm plywood dưới nhiệt độ và áp suất cao.

    Gỗ công nghiệp Plywood được sử dụng rất phổ biến đến làm khung ghế sofa, đặc biệt là khung sofa xuất khẩu. Do cấu tạo các lớp gỗ mỏng xếp trồng nghịch hước nên gỗ độ liên kết cao, sức chịu lực tốt, đảm bảo kết cấu và độ chắc chắn của khung. Mặt khác do ván gỗ Plywood ở dạng tấm tiêu chuẩn (1m22x2m44) nên có thể sử dụng máy móc hiện đại (CNC) cho độ chính xác cao và năng lực sản xuất quy mô lớn.

    + Khung sofa gỗ ván dăm công nghiệp MFC

    Ván dăm MFC cũng được sử dụng để làm khung sofa nhưng không phổ biến bằng. Loại gỗ này có tính dẻo dai kém, chịu lực ngang kém đặc biệt khi cắt dạng thanh dài… Bởi vậy nó chủ yếu được sử dụng để đóng các tẩm bảng của khung sofa khi kết hợp cùng các loại gỗ khác.

    Hình ảnh khung sofa bằng gỗ công nghiệp
    Hình ảnh khung sofa bằng gỗ công nghiệp (nguồn: Ikea)

    + Khung sofa gỗ MDF

    Chúng tôi đã có chút bất ngờ khi biết được rằng gỗ MDF được sử dụng để đóng một số mẫu ghế sofa của ikea và một số thường hiệu nội thất nổi tiếng thế giới khác. Mặc dù loại ván gỗ MDF của họ có sự khác biệt về cấu trúc và chất lượng so với loại MDF thông dụng.


    Nên chọn khung sofa chất liệu nào?

    – So sánh tổng quan giữa các loại vật liệu làm khung sofa

    Dưới đây là bảng so sánh sơ bộ giữa các loại khung ghế sofa với các tiêu chí cơ bản:

    Loại khung\Tiêu chí Độ bền Chịu lực/chắc chắn Giá thành Ứng dụng
    Khung gỗ Keo 5-7 năm Trung bình Rất rẻ Phổ biến
    Khung gỗ Thông 5-7 năm Trung bình Trung bình Ít
    Khung gỗ Sồi 10-15 năm Cao Cao Trung bình
    Khung gỗ công nghiệp 4-6 năm Trung bình Rẻ Ít
    Sofa khung sắt 6-10 năm Cao Cao Rất ít
    Bảng so sánh các loại chất liệu khung sofa, tham chiếu tại môi trường Việt Nam

    Việc vật liệu làm khung ghế nào phổ biến còn tùy thuộc vào khu vực địa lý (sự dồi dào của nguồn nguyên liệu gỗ), mức giá bán và chất lượng sản phẩm (cao cấp hay bình dân), yêu cầu thiết kế sản phẩm (các chi tiết cần khả năng chịu lực cao, bắt các phụ kiện…).

    • Tại Việt Nam đa phần các loại sofa giá rẻ bình dân (tầm giá 5-10-15 trđ) có khung làm từ gỗ Keo.
    • Khung sofa gỗ Sồi nhập khẩu là lựa chọn với các bộ sofa tầm trung đến cao cấp.
    • Khung sofa gỗ Thông chủ yếu là hàng nhập khẩu vì vật liệu gỗ này ít phổ biến ở VN.
    • Sofa khung sắt thường chỉ được dùng với các loại sofa cần khả năng chịu lực cao (ghế massage, sofa thông minh kết hợp giường, tủ…).
    • Sofa khung gỗ công nghiệp ít phổ biến ở Việt Nam, chủ yếu được làm hàng gia công xuất khẩu.

    – Một vài gợi ý chọn khung khi mua sofa

    Với hầu hết bộ sofa bán sẵn chúng ta chỉ có thể hỏi để biết chiếc ghế sofa đó làm từ loại khung gì chứ không thể thay đổi được. Việc thay đổi vật liệu khung chỉ có thể thực hiện khi khách hàng đặt đóng theo yêu cầu riêng.

    • Bạn không cần phải đặt loại khung tốt nếu chỉ có ý định đặt làm sofa giá bình dân (dưới 15trđ), chỉ cần khung gỗ Keo là đủ. Loại gỗ này có độ chắc chắn và độ bền 5-7 năm, vượt 1 chu kỳ dùng sofa – đến lúc cần thay mới. Nhiều người muốn một bộ khung sofa thật xịn để sau này cũ thì bọc lại, nhưng với sofa bình dân thì chi phí bọc lại (cả phí vận chuyển 2 chiều) gần tương đương mua hàng mới.
    • Khi đầu tư mua/đặt đóng sofa tầm khá-cao cấp bạn có thể chọn khung gỗ Sồi. Rất bền và chắc chắn, dùng tầm 10-15 năm khung vẫn tốt – tức bạn có thể bọc lại sofa 2-3 lần khung mới hỏng. Giá khung gỗ Sồi đắt hơn tầm 3 lần khung gỗ Keo (căn cứ vào giá gỗ nguyên liệu). Những nơi bán sofa khung gỗ Sồi mà giá rẻ bất ngờ thì nên xem xét kỹ lưỡng vì có thể bị pha gỗ Tạp (ở các vị trí khó nhìn) và sử dụng loại gỗ Sồi kém chất lượng.

    Một số kiến thức quan trọng bạn có thể tham khảo

    – Cách kiểm tra khung của sofa khi mua

    Khung xương sofa là bộ phận ẩn, được bao bọc bởi nệm mút và vỏ áo da, vải nỉ bên ngoài (giống như bộ xương cơ thể được bao bọc bởi da thịt vậy). Bởi vậy để kiểm tra khung sofa tổng thể là rất khó. Nhưng vẫn có một số cách tương đối:

    • Xem khung từ phần đáy: bạn có thể kéo lớp vải bọc đáy sofa ra (thường có khóa kéo), từ đây có thể nhìn được bộ khung của ghế.
    • Yêu cầu đơn vị bán hàng cung cấp thông tin và hồ sơ sản phẩm, trong đó thể hiện loại gỗ làm khung sofa và thậm chí (có thể có) cả bản vẽ khung.

    Bằng 2 cách trên bạn có thể kiểm tra khá chính xác loại chất liệu được dùng để đóng khung ghế sofa. Thêm vào đó bạn có thể ngồi thử, nhún mạnh để kiểm tra khung có chắc chắn, có phát ra tiếng kêu hay không. Thời hạn bảo hành khung cũng là một cơ sở để bạn biết được bộ sofa đó có bộ khung tốt như thế nào, nếu thời hạn bảo hành dài chứng tỏ nhà sản xuất rất tự tin về chất lượng khung họ cung cấp.

    Khi đặt đóng ghế sofa theo yêu cầu, bạn cũng có thể qua trực tiếp xưởng sản xuất để xem thực tế khung. Hãy nhắc đơn vị sản xuất rằng “khi nào làm xong khung ghế hay báo để tôi qua xem, sau đó hẵng bọc“. Rất là an tâm phải không nào?

    – Khung sofa bị mối mọt phải làm sao

    Tình trạng mối mọt sofa khá hiếm nhưng không phải là không có. Nguyên nhân có thể do bị lây từ môi trường bên ngoài (từ nền nhà hoặc đồ nội thất khác lây sang). Nhưng phần nhiều nguyên nhân là do chính bản thân loại gỗ làm khung không đạt chất lượng: chưa xử lý kỹ, độ ẩm cao, nhiều rác (gỗ non, vỏ gỗ), hoặc một thanh gỗ nào đó trong bộ khung đã có sẵn ấu trùng mối mọt… Khi gặp điều kiện môi trường thuận lợi chúng sẽ nở ra và sinh sôi.

    Đầu tiên phải tìm ra chính xác vị trí bị mối mọt tấn công (thường có các lỗ nhỏ, có bột gỗ, để im một lúc có thể nghe thấy tiếng mọt cắn…). Sau đó bạn có thể dùng các chất như cồn, tinh dầu cam, dầu hỏa hoặc mua thuốc diệt mối mọt. Bơm xịt trực tiếp (hoặc cho ra khăn và quét lên) vị trí đó, làm sao để thuốc theo các lỗ thấm sâu vào trong để tiêu diệt chúng. Nếu khung sofa bị mối mọt nhưng mới xuất hiện ở 1 – 2 thanh gỗ nhỏ, chưa lan rộng, thì giải pháp thay thanh gỗ đó cũng là cách tốt để xử lý triệt để.


    – Khung ghế sofa bị ọp ẹp, phát ra tiếng kêu

    Tình trạng khi ngồi lên sofa phát sinh tiếng kêu ọp ẹp…thường xuất phát từ nguyên nhân là hiện tượng co ngót của gỗ, dẫn tới các mối liên kết bị hở, bị vẹo. Một số nguyên nhân khác cũng phát sinh tiếng kêu (không phải do khung) có thể kể tới như các tấm ốp hông, miếng ốp lót giữa khung và nệm, lò xo, phụ kiện…

    Hiện tượng co ngót khung làm sofa bị ọp ẹp và phát ra tiếng kêu chủ yếu là do gỗ nguyên liệu không đạt tiêu chuẩn. Thường thấy nhất là gỗ ướt, gỗ tươi, hàm lượng độ ẩm cao…dùng sofa một thời gian (nhất là vào mùa nắng, hanh) loại gỗ này sẽ co ngót mạnh. Để xứ lý là rất khó, thường phải tháo đáy sofa ra để bắn thêm đinh và bơm keo, thêm thanh chống gia cố. Tối ưu nhất là khi mua sofa bạn nên kiểm tra khung, không mua sofa có khung làm từ gỗ tươi, độ ẩm cao.

    – Gãy khung sofa, hiện tượng sụt lún ghế và cách xử lý

    Hiện tượng sụt lún sofa có thể do nguyên nhân một lò xo nào đó bị bung, do đệm mút kém bị mất đàn hồi, hoặc do thanh gỗ khung sofa bị gãy, bị bung liên kết. Nếu nguyên nhân do gãy khung (hoặc liên kết bị rời) thì giải pháp xử lý sẽ tùy thuộc và vị trí và mức độ nghiêm trọng. Nếu vị trí khung bị hỏng có thể nhìn thấy (khi bật đáy ra) thì có thể xử lý tại chỗ bằng cách thay thanh gỗ mới hoặc bổ sung thêm để gia cố. Với các bị trí khung hỏng ở phần kín, cần phải tháo rời bộ phận đó ra, lột vỏ áo và bóc nệm mút để xứ lý lại khung, sau đó bọc lại.