Các thành phần cấu tạo của ghế sofa
Mỗi một bộ phận của ghế sofa đều có vai trò và nhiệm vụ riêng. Bộ khung giúp tạo form dáng và giữ vai trò chịu lực. Hệ thống lò xo và dây thun đàn hồi giúp tản đều lực ngồi lên khung, nó cùng với nệm mút tạo lên sự êm ái, căng phồng, lấy lại dáng ghế sau mỗi lần ngồi. Và tất nhiên, tính thẩm mỹ được quyết định phần nhiều bởi lớp vỏ áo, cái chúng ta có thể nhìn thấy ngay lần đầu và mỗi ngày.
– Tổng quan chung về cấu tạo của ghế sofa
Thông thường, một chiếc ghế sofa được cấu tạo bởi các thành phần chính sau:
- Khung xương sofa
- Hệ thống lò xo và dây thun
- Nệm mút
- Lớp vỏ áo sofa
- Lót hậu
- Chân đế
- Các phụ kiện được tích hợp cùng
- Các vật tư tiêu hao.
Mỗi một bộ sofa lại có cấu tạo và các thành phần khác nhau chứ không phải tất cả đều giống nhau. Khi xem xét cấu tạo của một bộ ghế sofa chúng ta phải căn cứ vào thiết kế và các yêu cầu chất lượng, từ đó quyết định loại vật tư nào sẽ được sử dụng và cách thức sản xuất. Ví dụ, có loại sofa sẽ chỉ cần lò xo sóng, trong khi một số sẽ dùng tới lò xo cối hoặc lò xo túi, thậm chí một số mẫu sofa không cần dùng đến lò xo.
Dưới đây chúng ta sẽ đi tìm hiểu chi tiết các thành phần (vật liệu và phụ kiện) trong cấu tạo của ghế sofa.
– Khung xương sofa
Khung sofa là một thành phần cấu tạo chính của ghế sofa, có vai trò tạo form dáng và chịu lực. Để làm khung sofa cần sự kết hợp cả gỗ tự nhiên và gỗ công nghiệp (sofa khung kim loại ít phổ biến). Trong đó các loại gỗ tự nhiên được sử dụng phổ biến là gỗ Sồi (làm sản phẩm loại tốt, cao cấp), gỗ Thông (thường là hàng sofa nhập khẩu, hoặc hàng sofa sản xuất để xuất khẩu) và gỗ Keo (loại bình dân, phổ thông). Gỗ công nghiệp đóng khung sofa chủ yếu là gỗ ván ép plywood, dùng để cắt các tấm bảng, má, tạo hình. Tùy theo nhu cầu mà quý khách có thể yêu cầu xưởng làm khung sofa hoàn toàn từ gỗ tự nhiên. Tuy nhiên thực tế việc sử dụng gỗ công nghiệp vẫn đảm bảo khả năng chịu lực, chất lượng và độ bền, các nhà máy sofa lớn trong và ngoài nước đều dùng kết hợp. Chúng tôi sẽ phân tích sâu hơn về khung sofa ở phần dưới bài viết.
Sơ lược về các loại khung sofa được dùng phổ biến hiện nay:
– Sofa khung gỗ Sồi
Chúng ta có thể xếp khung sofa làm từ gỗ Sồi vào dòng cao cấp. Bộ khung được làm từ gỗ Sồi nhập khẩu rất khỏe và bền chắc, dùng vài chục năm vẫn thoải mái, bọc lại vài lần khung vẫn tốt. Khi đóng sofa khung gỗ sồi bạn nên yêu cầu đơn vị sản xuất chà nhám qua bề mặt. Đồng thời tấm vải lót đáy ghế nên may khóa kéo để tiện kiểm tra khi nhận hàng.
– Sofa khung gỗ Tần bì
Gỗ tần bì có nhiều đặc điểm rất giống với gỗ sồi, bởi vậy khung sofa gỗ Tần bì cũng được xếp vào loại tốt.
– Sofa khung gỗ Keo
Đây là loại gỗ làm khung sofa phổ biến nhất hiện nay ở Việt Nam. Hầu hết các mẫu sofa giá rẻ dưới 10tr bạn thấy bán ở VN được làm từ gỗ keo. Lý do đơn giản là cây gỗ Keo được trồng nhiều ở Việt Nam, nguyên liệu dễ kiếm và rẻ. Khung sofa gỗ Keo cũng rất bên và chắc khỏe, dùng 8-10 năm thoải mái nếu đơn vị sản xuất làm khung cẩn thận.
– Sofa khung gỗ Thông (nhập khẩu)
Gỗ Thông làm khung sofa rất phổ biến ở các nước chấu Âu, Mỹ, Trung Quốc… Nếu nhà bạn đang dùng sofa nhập khẩu thì có thể kiểm tra, 80% nó được làm từ gỗ Thông. Nhưng ở đây chúng ta nói đến gỗ Thông nhập khẩu, loại được trồng ở các cánh rừng ôn đới xứ lạnh với chất gỗ đẹp, cây thẳng, vân gỗ đều. Chứ không phải cây thông lấy nhựa ở Việt Nam.
– Sofa khung gỗ công nghiệp
Nhiều người Việt có thể chưa quen với khung sofa gỗ công nghiệp và cho rằng nó không đủ chắc khỏe. Tuy nhiên gỗ công nghiệp lại và nguyên liệu chính để làm khung sofa ở các nước phương Tây, mỗi năm các nhà máy ở Việt Nam cũng xuất khẩu rất nhiều khung sofa gỗ Plywood. Một số thương hiệu nội thất nổi tiếng thế giới như Ikea thậm chí còn dùng cả gỗ MFC hay MDF để làm khung sofa. Tất nhiên họ đã nghiên cứu và đảm bảo cả về độ bền cũng sự khả năng chịu lực của sản phẩm rồi.
– Ghế sofa khung kim loại
Các loại kim loại được dùng phổ biến là sắt mạ, thép không gỉ hoặc inox. Nhắc đến sofa khung kim loại thì thường có 2 dòng sản phẩm chính. Một là loại khung nổi, tức khung sofa bên ngoài và có thể thấy rõ (giống như ghế gỗ), các tấm nệm mút được bố trí mặt trong của ghế ở phần ngồi và tựa lưng. Loại thứ hai là khung kim loại ẩn bên trong nệm mút, không nhìn thấy. Loại sofa khung kim loại ẩn bên trong thường thấy ở các dòng sofa giường, sofa thông minh, ghế massage…bộ khung kim loại thay cho gỗ để tăng độ khỏe.
– Hệ thống lò xo và dây thun
Lò xo được sử dụng làm sofa thường gồm 3 loại chính: lo so dây sóng, lò xo túi và lò xo cối. Trong đó, lò xo dây sóng được sử dụng phổ biến hơn, có hình dạng uốn lên xuống giống sóng. Lò xo túi là loại lò xo trục xoắn ốc, với mỗi cái được đặt trong một chiếc túi để dễ thao tác khi xếp lớp. Còn lò xo cối hay lò xo nón là loại lò xo gồm các vòng xoáy dạng trụ đứng với chiều rộng thu nhỏ dần giống cái nón hay vỏ con ốc.
Dây thun co giãn là bộ phận thường không thể thiếu trong cấu tạo của ghế sofa. Chúng được luồn so le nhau và kết hợp với hệ thống lò xo để tạo độ đàn hồi cho ghế, giúp tản đều lực ngồi lên khung sofa.
– Nệm mút sofa
Trong cấu tạo của ghế sofa thì nệm mút là bộ phận quyết định độ êm ái và mang tới cảm nhận tuyệt vời nhất cho người dùng. Thường có nhiều loại nệm mút với tính năng và độ dày mỏng khác nhau được sử dụng. Trong đó phần dày nhất và quan trọng nhất là nệm mút ở mặt ngồi của ghế và mặt trong tựa lưng ghế. Nệm mút cũng được sử dụng ở các tay vịn, bao quanh mặt ngoài thân ghế (nhưng thường mỏng hơn) để tạo độ phồng làm đẹp ghế sofa.
Có nhiều loại nệm mút được sử dụng làm sofa, chúng tùy thuộc vào yêu cầu chất lượng của sản phẩm. Với dòng sofa cao cấp có thể sử dụng nệm cao su thiên nhiên và các loại mút tốt. Ngược lại, với các sản phẩm sofa bình dân thì mút giò và các loại mút giá rẻ là bộ phận cấu thành chính.
– Lớp vỏ áo sofa
Một thành phần cấu tạo của ghế sofa không thể không nhắc tới đó là lớp vỏ áo bên ngoài, gồm: da, vải, nỉ, nhung,… Nó là cái chúng ta nhìn thấy đầu tiên và dễ quan sát nhất, tuy nhiên cũng không dễ phân biệt và đánh giá đối với những ai chưa có nhiều kinh nghiệm vì da, nỉ, vải…cũng có cả hàng ngàn loại.
Dưới đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sơ lược về các vật liệu bọc sofa:
+ Sofa bọc da thật
Sofa bọc da thật được xếp vào loại cao cấp, chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành của sản phẩm. Các loại da được sử dụng rất đa dạng, phổ biến là da bò (bò lấy thịt, bò sữa) hoặc da trâu, ngoài ra có thể dùng da cừu, da lợn,…
Ưu điểm nổi bật của sofa da thật là sự sang trọng, mang tới cảm giác về sự đẳng cấp, mà các vật liệu giả da không thể đạt được. Da thật cũng có tính đàn hồi cao, dẻo dai, dùng bền, thân thiện sức khỏe. Tuy nhiên giá thành là một vấn đề, trung bình bộ sofa da thật có giá từ 40-100trđ, không phải ai cũng có điều kiện sở hữu. Một số đơn vị bán sofa da thật có giá khá rẻ, điều này có thể do vật liệu đầu vào, ví dụ da bò sữa thường rẻ hơn da bò thịt, với từng con bò cũng có thể cho chất lượng da khác nhau.
+ Da công nghiệp
Nói đến sofa da công nghiệp là nói đến một phạm trù rất rộng, với nhiều loại và mỗi loại lại có hàng trăm mẫu đa dạng. Trong đó da Microfiber là tốt nhất, sau đó đến da Pu và cuối cùng là da Simili.
- Da Simili là loại da công nghiệp được sản xuất từ những sợi polyester dệt lại với nhau, rồi phủ lên 1 hoặc 2 lớp nhựa PVC – để tạo độ liên kết vững chắc, giúp cho da bền hơn và có khả năng chịu lực co giãn mài mòn tốt hơn – bước cuối cùng là nhuộm màu và tạo vân để nó nhìn giống như da thật. Tuy vậy dòng da này ngửi vẫn có mùi nhựa đặc trưng, độ bền và cảm nhận không tốt bằng 2 dòng da dưới đây.
- Da PU là loại tốt và được dùng khá phổ biến, được xem là tiệm cận và có những đặc điểm giống da thật nhất. Do nó được tạo ra từ những mảnh vụn của da thật, được say và ép polyester để tạo nên độ kết dính, sau đó được nhuộm màu và dập tạo vân bề mặt.
- Da Microfiber là loại da công nghiệp cao cấp nhất, có độ bền tương tự như da thật. Được cấu tạo từ những sợi siêu mỏng hay còn có tên gọi là xơ vi mảnh. Nhờ công nghệ dệt xuyên kim có thể mô tả cấu trúc 3D của da thật. Do đó, nó có chất lượng cực tốt, cao hơn so với da tổng hợp PU và da Simili.
+ Sofa bọc vải nỉ
Sofa bọc vải nỉ có ưu điểm về sự mềm mại, ấm áp, thông thoáng khí, đặc biệt là màu sắc và họa tiết cực đa dạng. Bởi vậy vật liệu này được sử dụng cực rộng rãi trong cả sofa phòng khách, phòng ngủ cũng như sofa văn phòng. Tùy vào sở thích mà khách hàng có thể chọn loại vải nỉ mịn, vải thô, nhung,…với màu sắc mong muốn.
– Lót hậu
Lót hậu là một thành phần nhỏ trong cấu tạo của ghế sofa nhưng có vai trò quan trọng, giúp che chắn và ngăn côn trùng để bảo vệ các kết cấu bên trong. Nó thường được làm từ loại vải có tráng nhựa bóng để chống ẩm từ nền nhà. Một số mẫu sofa thì lớp vải lót hậu có thể được may khóa kéo, giúp khách hàng kiểm tra các vật liệu khi nhận hàng và dễ sửa chữa bảo dưỡng về sau.
– Chân đế
Chân ghế sofa thường được làm bằng gỗ tự nhiên hoặc kim loại như Inox, sắt mạ, chân đúc,….
– Các phụ kiện được tích hợp cùng
Để một bộ sofa đẹp và sử dụng tiện nghi hơn thì các phụ kiện sẽ được tích hợp vào trong cấu tạo của sofa. Điển hình có thể kể tới như:
- Gối ôm, gối trang trí
- Khay để cốc chén
- Hộc để sách báo, lọ hoa, vật dụng trang trí nhỏ
- Tích hợp cổng USB, cổng sạc, sạc pin không dây
- Tích hợp loa nghe nhạc
- Tích hợp đèn trang trí
- Tích hợp thiết bị sưởi ấm
- Tích hợp tính năng massage
- …
– Các vật tư tiêu hao.
Bao gồm rất nhiều thứ như đinh chỉ, đinh U, gim, vít, ke, chỉ, keo dính, cúc khuy trang trí,… Mỗi thứ có vai trò và được sử dụng ở các công đoạn khác nhau. Có thể kể tới như:
- Đinh chỉ, đinh U
- Chỉ may và các loại dây
- Keo dán mút
- Các loại vít
- Ke góc
- Kẹp giữ lò xo
- Bản mã bắt chân ghế
- Núm chân
- Bản lề
- …
* Vậy khi đi mua sofa thì bạn nên chú ý kiểm tra những bộ phận nào?
Hầu hết các thành phần cấu tạo của ghế sofa được ẩn đi, cái chúng ta nhìn thấy bên ngoài thường chỉ là lớp vỏ áo và chân ghế. Tuy vậy bạn vẫn có nhiều cách để kiểm tra chúng xem có đúng chủng loại, chất lượng, mới cũ,…bằng cả quan sát, thử, cảm nhận và các câu hỏi với người bán.
- Kiểm tra bên ngoài sofa: loại da hay vải nỉ có đúng như công bố (hóa đơn, mẫu da, quan sát,…), đường may có đẹp và đều, màu sắc có đồng đều tự nhiên hay có dấu hiệu khác lạ, chân ghế có cập kênh,…
- Kiểm tra các thành phần cấu tạo sofa bên trong: bạn có thể kéo khóa của lớp vải đáy để quan sát bên trong. Chú ý đến khung sofa (có đúng loại gỗ, chất lượng ra sao,…), quan sát hệ thống lò xo và dây đai, quan sát các mối nối có được bắt vít hay bắn đinh chắc chắn,…
- Kiểm tra bằng ngồi thử và cảm nhận: Mua sofa nhất thiết phải ngồi thử, thậm chí nằm thử, nhún nhảy, dùng tay ấn mạnh bề mặt, vận hành thử các bản lề và các phụ kiện… Điều này giúp kiểm tra xem sofa có chắc chắn không, có phát ra tiếng kêu lạ, độ đàn hồi và khả năng phục hồi sau khi ấn hoặc ngồi, góc ngả tựa ghế có thoải mái,…
- Kiểm tra đối chiếu vật tư và các câu hỏi. Nếu bạn đặt đóng sofa theo yêu cầu tại xưởng thì hẳn sẽ có hóa đơn ghi chi tiết các yêu cầu và vật liệu, có mẫu da hay vải nỉ,…đó là cơ sở quan trọng để kiểm tra đối chiếu.
- Giám sát quá trình. Sẽ thật khó kiểm tra cấu tạo ghế sofa và các thành phần của nó khi bộ sofa đã hoàn thiện. Vì vậy việc giám sát quá trình làm việc tại xưởng cũng là một cách mà bạn nên bỏ thời gian.
Quy trình 10 bước sản xuất một bộ ghế sofa tiêu chuẩn
Từ các vật liệu cơ bản cấu tạo lên chiếc ghế sofa được nêu ở trên, phần tiếp theo dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu xem các bộ phận đó được sử dụng thế nào? Cái nào được thực hiện trước, cái nào sau, cách làm như thế nào và đòi hỏi máy móc công cụ gì,…thông qua một quy trình sản xuất sofa tiêu chuẩn 10 bước.
Bước 1: Tiếp nhận đơn hàng, phác họa các yêu cầu
Là bước quan trọng để nắm bắt nhu cầu và mong muốn của khách hàng, từ đó hai bên đi đến thống nhất về sản phẩm cũng như các thông tin liên quan. Như mẫu mã, loại vật liệu bọc, loại khung, loại mút, kích thước, màu sắc, các phụ kiện tích hợp… Đây chính là những thành phần cấu tạo lên một bộ ghế sofa mà chúng ta đã tìm hiểu ở trên.
Bước 2: Chốt đơn và thiết kế sofa
Sau khi 2 bên thống nhất các thông tin sẽ đi đến chốt đơn hàng, ghi hóa đơn với các thông tin cụ thể. Đơn hàng sẽ được chuyển tới bộ phận thiết kế để vẽ và xuất mẫu, có thể gửi ảnh 3D cho khách hàng duyệt lại.
Bước 3: Thống kê vật tư, phụ kiện
Từ mẫu thiết kế sản phẩm sẽ bóc tách các loại vật tư, phụ kiện…chủng loại và số lượng cần cho mỗi loại. Từ đó thống kê và chuẩn bị vật tư để chuyển qua các bộ phận sản xuất liên quan. Sau bóc tách thì các phần việc và tiến độ cũng được giao tới các bộ phận chuyên trách, gồm bộ phận làm khung, đi lò xo, cắt dán mút, cắt may, bọc…
Bước 4: Làm khung sofa
Trên cơ sở mẫu thiết kế và bóc tách, bộ phận làm khung sẽ tiến hành cưa cắt và ráp khung theo mẫu. Khung hoàn thiện được chuyển qua bộ phận tiếp theo.
Bước 5: Gắn lò xo và dây đai thun
Khi nhận được khung sofa hoàn thiện, bộ phận gắn lò xo và dây đai thun có trách nhiệm kiểm tra các thông số, nếu chính xác sẽ ký nhận (hoặc trả lại bộ phận khung nếu có sai sót). Việc đi lò xo và dây đai thun cần đảm bảo đúng thiết kế, đúng chủng loại vật tư, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật để đạt được độ đàn hồi theo yêu cầu.
Bước 6: Cắt mút và dán mút
Bộ phận cắt mút tiếp nhận khung đã đi lò xo và dây đai thun từ bộ phận trước đó. Tiến hành đo đạc và cắt dán mút theo đúng chủng loại và trình tự, từ lớp lót đến các lớp mút đã được duyệt trong thiết kế. Sản phẩm hoàn thiện được chuyển qua công đoạn bọc.
Bước 7: Cắt da/vải/nỉ và may
Bộ phận cắt may dựa trên bản vẽ thiết kế và bóc tách sẽ tiến hành cắt da hoặc vải nỉ, sau đó tiến hành may. Đây là công đoạn cận sự chính sách và tay nghề cao, đảm bảo các đường may chắc chắn và thẩm mỹ.
Bước 8: Bọc ghế sofa
Bộ phận bọc ghế sofa nhận bán thành phẩm từ các công đoạn ở trên và tiến hàng bọc ghế. Việc bọc ghế sofa tùy từng mẫu thiết kế sẽ có những bộ phận cần bọc trước, sau đó lắp ráp lại. Công đoạn này mang tính thủ công nhiều, yêu cầu tay nghề và tính tỉ mỉ của người thợ để đảm bảo vỏ áo được ghim chặt vào khung sofa, không bị căng quá cũng không trùng quá, không nhăn nhúm, đường nét vuốt đều,….
Bước 9: Lắp đặt phụ kiện, bọc hậu, lắp chân
Sau khi bọc xong sẽ đến công đoạn lắp đặt phụ kiện (một số phụ kiện có thể phải lắp trước), bọc đáy và lắp chân ghế. Tiến hành hoàn thiện sản phẩm.
Bước 10: Kiểm tra sản phẩm, bao gói, xuất xưởng
Ghế sofa sau khi hoàn thiện sẽ cần kiểm tra tổng thể và (có thể) kiểm tra chức năng. Quan sát tổng thể xem ổn chưa, đo đạc, đối chiếu các thông số với thiết kế và hóa đơn, rà soát các vật tư phụ kiện, kiểm tra sự chắc chắn, có bị bập bênh hay ngồi thử có tiếng động không, kiểm tra khả năng chịu lực,…
Sau khi mọi thông số đều đạt yêu cầu sẽ tiến hành vệ sinh lại sản phẩm, chụp ảnh lưu trữ, bao gói sản phẩm, ký xác nhận đủ tiêu chuẩn xuất xưởng.
Các máy móc và công cụ chính của một xưởng sản xuất sofa
Sản xuất sofa, dù ở nhà máy hiện đại đến đâu, thì vẫn có hàm lượng lớn công việc được làm thủ công bằng tay và đòi hỏi tay nghề người thợ. Đơn cử như công đoạn cắt, may, dán mút, bọc, lắp phụ kiện,… Máy móc và dụng cụ phục vụ sản xuất phụ thuộc vào quy mô và mức đầu tư của mỗi xưởng.
– Với các xưởng sản xuất sofa nhỏ, trang bị máy móc công cụ khá đơn giản. Thường bao gồm:
- Máy cưa gỗ để cắt xẻ khung (nếu nhập khung làm sẵn từ đơn vị khác thì không cần cưa máy, chỉ cần cưa cầm tay)
- Máy may, máy vắt sổ,…
- Máy nén khí và hệ thống dây dẫn
- Súng bắn đinh chỉ, đinh U, súng bắt vít…
- Dụng cụ phun keo, phun sơn
- Các loại dụng cụ nhỏ khác như kéo, búa, kìm, dao, thước,…
– Với các xưởng sản xuất sofa lớn, nhà máy sản xuất để xuất khẩu,…thì trang bị máy móc sẽ hiện đại hơn. Bao gồm (có thể):
- Các máy móc và dụng cụ như ở trên
- Máy tính và các phần mềm thiết kế để lên mẫu và bóc tách
- Máy cắt CNC để cắt ván gỗ công nghiệp (thường là plywood)
- Máy cưa bàn trượt, cưa lọng, máy chà nhám
- (Có thể có) máy cắt mút, máy cắt da/vải nỉ…điều khiển bằng vi tính
- (Có thể có) phòng sơn
- (Có thể có) phòng kiểm tra và thử nghiệm sản phẩm
Kết luận
Trên đây Tốp Nội Thất đã cùng bạn tìm hiểu khá chi tiết các thành phần và cấu tạo của một chiếc ghế sofa. Như chúng tôi đã để cập, mỗi một sản phẩm sẽ có yêu cầu chất lượng và do đó thiết kế cũng như kết cấu khác nhau. Tuy nhiên về cơ bản chúng không nằm ngoài các nội dung đã được chia sẻ. Hy vọng bài viết có ích với quý khách. Cảm ơn đã ghé xem!